Lahpet Thoke là món ngon đặc trưng của Myanmar, được chế biến từ lá trà ngâm hoặc lên men. Món ăn có lịch sử hình thành lâu đời và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong văn hóa và nền ẩm thực của người Miến Điện. Nhận định này được phản ánh rõ nét qua câu nói phổ biến của người dân nơi đây: “Trong tất cả các loại trái cây, xoài là ngon nhất; trong tất cả các loại thịt, thịt lợn là ngon nhất và trong tất cả các loại lá, Lahpet là ngon nhất”.
1. Sơ lược về lịch sử uống trà của người dân Myanmar
Theo những ghi chép lịch sử, trà được vua Alaungsithu du nhập vào đất nước và được phục vụ trong hoàng gia Miến Điện từ những năm 1100, thuộc triều đại Pagan. Sau đó, do sự ảnh hưởng của Phật Giáo, trà ngâm đã được dùng để thay thế rượu trong các nghi lễ. Đến cuối những năm 1500, một phong trào cải cách Phật giáo đã diễn ra và đạt được thành công trong việc ngăn chặn uống rượu và ủng hộ ăn trà ngâm.
Người Palaung - tộc người Myanmar xưa đã theo truyền thống trồng và lên men trà (Ảnh: sưu tầm)
Về sau, trà không chỉ là loại thức uống yêu thích của cung đình mà còn trở thành món ăn ngon được sử dụng trong các lễ hội. Trong thời kỳ tiền thuộc địa, Lahpet Thoke còn được xem là biểu tượng hòa bình khi là vật được dùng để trao đổi sau khi giải quyết tranh chấp giữa các vương quốc.
Ngày nay, trà vẫn là thức uống được dùng phổ biến tại Myanmar với sản lượng thu hoạch hàng năm đạt 60.000 - 70.000 tấn trên 700km2 (270 sq mi). Trong số lượng trà được tiêu thụ, trà xanh chiếm 52%, trà đen 31% và trà ngâm 17%.
2. Món Lahpet trong những gian hàng chợ ở Myanmar
Có dịp du lịch Myanmar, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều gian hàng bày bán Lahpet Thoke. Món ăn được kết hợp với các nguyên liệu khác nhau, tạo nên nhiều biến tấu lạ vị như: Lahpet với tỏi và ớt; salad trà và hạt chiên; Lahpet thoke và salad gừng,...
Gian hàng bán Lahpet tại khu chợ Mandalay (Ảnh: sưu tầm)
3. Cách chế biến lên men Lahpet truyền thống
Quy trình lên men Lahpet truyền thống gồm ba bước cơ bản: hấp trà, lên men và điều chỉnh. Cụ thể, lá và búp trà non sau khi được thu hái sẽ mang đi hấp trong khoảng năm phút. Sau đó, lá trà đã hấp được cho vào vại tre hoặc vại sành đặt trong hố đất và ép vật nặng lên trên.
Gian hàng bán Lahpet tại khu chợ Mandalay (Ảnh: sưu tầm)
Quá trình lên men của trà được kiểm tra theo chu kỳ và có thể phải mang đi hấp lại. Trà sẽ bắt đầu quá trình lên men kỵ khí bằng cách hình thành các vi khuẩn axit lactic tự nhiên và hoàn thành trong khoảng 3 - 4 tháng. Quá trình này sẽ được biểu thị bằng sự thay đổi màu sắc của lá trà, từ xanh lục sang xanh vàng, kết cấu lá mềm hơn và độ chua giảm dần theo thời gian.
Lá trà sau khi lên men có kết cấu mềm hơn và chuyển sang màu xanh vàng (Ảnh: sưu tầm)
Sau khi hoàn tất quá trình lên men, lá trà được rửa sạch, vắt ráo nước là đã sẵn sàng kết hợp với các nguyên liệu khác để làm món Lahpet Thoke trứ danh. Thành phẩm được tạo thành có sự hòa quyện của vị đắng nhẹ, chua thanh, thoảng mùi hương tựa đất ẩm sau cơn mưa và phảng phất chút hương cam quýt nhẹ nhàng.
4. Các biến tấu đặc sắc của món Lahpet tại Myanmar và Bắc Thái Lan
Lá trà lên men có nhiều biến tấu khác nhau. Mỗi biến tấu có sự khác biệt về cách chế biến, nguyên liệu kết hợp và hình thức phục vụ. Dưới đây là những biến tấu phổ biến nhất của món Lahpet Thoke:
- Mandalay Lahpet (hay Ahlu Laphet): Mandalay Lahpet truyền thống được phục vụ trong đĩa sơn mài nhiều ngăn, có nắp đậy. Lá trà lên men trộn dầu mè được cho vào ngăn giữa, các ngăn còn lại chứa những nguyên liệu khác như: tỏi chiên giòn, đậu gà, đậu Úc, mè nướng, đậu phộng, gừng thái sợi và dừa nạo chiên,... Món ăn thường được phục vụ trong các buổi lễ của Phật giáo và dùng để chiêu đãi trong lễ đính hôn, đám cưới, lễ tang.
Khay Mandalay Lahpet truyền thống của người Myanmar (Ảnh: sưu tầm)
- Lahpet Thohk (hay Yangon Lahpet): Đây là món salad trà ngâm rất phổ biến trên khắp Myanmar. Món ăn được chế biến bằng cách trộn các thành phần như: cà chua, tỏi, ớt xanh, bắp cải thái nhỏ, dầu mè, đậu phộng rang và nước cốt chanh,... Lahpet Thohk thường được dùng với cơm trắng trong những bữa ăn hàng ngày của người Myanmar.
- Zayan Lahpet: Món Zayan Lahpet được chế biến bằng cách trộn lá trà lên men cùng với khế, lá lốt và các loại lá non ngâm chua thái nhỏ.
- Lahpet Thoke Thái Lan: Ngoài Myanmar, salad lá trà còn được phục vụ tại các nhà hàng dân tộc Shan ở các tỉnh phía Bắc Thái Lan như: Chiang Mai, Chiang Rai và Mae Hong Son. Tại Thái Lan, món ăn có tên gọi là Yam Miang.
Đĩa Yangon Lahpet với nhiều nguyên liệu đặc sắc được kết hợp (Ảnh: sưu tầm)
Trên đây là những thông tin về món ăn “nức tiếng” của Myanmar - salad lá trà (Lahpet Thoke). Món ăn đã có lịch sử hình thành lâu đời và chiếm giữ vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực của người Miến Điện. Nếu có dịp, bạn hãy thử thưởng thức hương vị mới lạ, độc đáo của những lá trà non lên men này nhé.
Đồng hành cùng tình yêu trà, Plantrip Cha là địa chỉ uy tín để bạn chọn mua các sản phẩm trà chất lượng đến từ những vùng trà nổi tiếng tại Việt Nam và thế giới. Thương hiệu chuyên cung cấp các sản phẩm trà thưởng thức thượng hạng, trà nguyên liệu pha chế và các loại trà cụ độc đáo. Các sản phẩm trà từ Plantrip Cha đều đạt chuẩn chất lượng với hương vị nguyên bản đặc trưng, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những cảm nhận trọn vẹn khi thưởng thức!