Trong sự khai sinh bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng có ba thế hệ tiếp nối nhau gọi là Tam Vị Thánh Tổ. Thế hệ tiên phong gọi là Tổ Sư, thế hệ tiếp nối để hoàn thiện gọi là Tiên Sư và thế hệ góp phần phát triển loại hình đó lên đỉnh cao nghệ thuật gọi là Thánh Sư và Trà Đạo Nhật Bản cũng thế.
Trà phát khởi từ Myōan Esai (Thiền Sư Vinh Tây) vẫn chỉ là loại thức uống dưỡng Thân, đến thời Marata Juko (Thiền Sư Châu Quang) đã phát hiện ra cách dưỡng Tâm bằng trà gọi là Trà Đạo, và cuối cùng Sen no Rikyū (Thiên Lợi Hưu) chính là người hoàn thiện trà đạo bằng con đường Trí Tuệ.
Trà Đạo là tư tưởng cốt lõi đại diện cho những giá trị tinh thần Nhật Bản
Trà Đạo là tư tưởng cốt lõi đại diện cho những giá trị tinh thần Nhật Bản, vừa bảo lưu tư tưởng Thiền Tông Trung Hoa vừa phát triển lên một tầm cao mới rất thuần nhất và tế vi. Nói đến Trà Đạo (Chado) ta phải định nghĩa rõ được đó là hình thức thưởng thức trà có chủ thuyết và tư tưởng triết học cốt lõi để từng cá nhân thực hành một cách cẩn mật và chỉnh chu. Đạo nghĩa là đường mà Trà Đạo nghĩa là con đường thực tập uống trà một cách chân chính.
Từ thời Đường, nhất là khi Ngài Huyền Trang trở về sau chuyến du học ở đại học Nalanda (Ấn Độ) đã thu hút các nhà sư ở các quốc gia lân cận tìm đến để học Tam Tạng Kinh Điển. Trong lúc đó, trà đã phát triển với nhiều hình thái khác nhau bao gồm Mạt Trà (trà xay nhuyễn), Đoàn Trà (trà đóng bánh) và Yêm Trà (trà nguyên lá), khi này trà cũng đã kịp bước chân vào chốn Thiền Môn như một loại thực tập thường nhật.
Các Thiền Sư đến Trung Hoa học Phật, rồi mang trà lan tỏa ra nhiều quốc gia lân cận, trong đó có Nhật Bản và phát triển thành một hệ tư tưởng mang tính đại diện cho tinh thần Nhật Bản với ba tên tuổi lớn được coi như Tam Vị Thánh Tổ Của Trà Đạo Nhật Bản.
1. Tổ Sư Myōan Esai
Đến thời Tống, khi Thiền và Trà bắt đầu gắn kết và cùng phát triển rực rỡ, một vị Thiền Sư tên Myōan Eisai (1141 – 1215) đã hai lần đến nước Tống để tham cứu Phật Pháp. Trong lần đến Tống lần thứ hai, sau khi lãnh hội tâm yếu của Thiền ngài trở về nước và mang theo rất nhiều hạt giống trà, phong cách uống trà bột cũng được ông mang về và bảo lưu đến ngày nay.
Các hạt giống trà này được trồng tại chùa Tofukuji (Kyoto) và được phân phát cho nhiều người. Trước đó khoảng 350 năm, đã có người mang trà về trồng ở Nhật Bản, tuy nhiên việc trồng trà không được phát triển rộng rãi lắm. Vì vậy, dù không phải là người đầu tiên mang trà về Nhật Bản nhưng ông vẫn được tôn xưng là thủy tổ của Trà Nhật.
Chân dung tổ Sư Myōan Esai
Trong tư duy uống trà thời Tống, vẫn còn xem trà như một loại thuốc, dù phương pháp thưởng thức đã thuần nhất, điều này ảnh hưởng rất nhiều về tư tưởng uống trà của ông khi cho ra đời quyển sách đầu tiên về trà là “Khiết trà dưỡng sinh ký”.
Nhân sự kiện sư Esai dùng trà chữa khỏi bệnh cho một tướng quân, trà đã trở thành một loại thức uống được giới cầm quyền thời đó vô cùng ưa thích, phong trào uống trà nhanh chóng lan rộng ra toàn xã hội Nhật Bản.
Về sau Thiền Sư Dogen Kigen (Đạo Nguyên Hi Huyền) tiếp tục những thành quả của Thiền Sư Esai để phát triển việc uống Trà trong Thiền Tông Nhật Bản.
2. Tiên Sư Marata Juko
Trà dưới thời Thiền Sư Esai vẫn còn là loại thức uống dưỡng Thân. Mãi đến thế kỷ XIV, thì những tư tưởng đầu tiên của Trà Đạo mới được Thiền Sư Marata Juko (Châu Quang) đặt ra. Bởi ông thường hay ngủ gật ngay cả những nơi công cộng. Sư đi trị bệnh, thầy thuốc khuyên uống trà, thì việc buồn ngủ liền khỏi.
Sau khi được khai ngộ về công án Uống Trà Đi của Thiền Sư Triệu Châu ông đã đúc kết ra tâm yếu của Thiền Trà Nhật Bản là “Trà vô tâm, liễu xanh hoa thắm”. Ấn chứng Trà Đạo Nhật Bản đã hoàn thành ở đây. Ông còn đề ra tư thưởng thưởng thức Wabi-cha nghĩa là trà tinh giản, nghệ thuật chủ yếu dựa vào tâm, loại bỏ bớt những ngoại tướng màu mè phức tạp trong việc pha trà.
Chân dung tiên Sư Marata Juko
Marata Juko đã tích cực truyền bá tư tưởng về Trà Đạo cho giai cấp lãnh chúa và thương gia Nhật Bản, một trong số đó là Furuichi Chōin – một trong những lãnh chúa sở hữu nhiều đất đai lúc bấy giờ. Ông đã đúc kết hầu hết tư tưởng của mình vào một tài liệu tên Kokoro no fumi (Tâm thư) với nội dung là mang Trà Đạo tiếp cận đến giới thương gia Nhật Bản, nhằm thiết lập một hệ thống thương mại trà nội bộ, giảm tỷ phần nhập khẩu trà và đồ gốm sứ từ Trung Quốc. Tài liệu này về sau được Sen no Rikyū đánh giá cao.
Sau khi Marata Juko mất, đệ tử của ông là Takeno Jōō tiếp tục phát triển và quảng bá tư tưởng Trà Đạo của ông một cách toàn diện trong xã hội, từ giới tu sĩ, lãnh chúa cho đến thương gia và cả giới bình dân. Học trò của Takeno Joo chính là Thánh Sư Sen no Rikyu.
2. Thánh Sư Sen no Rikyū
Nếu Thiền Sư Marata Juko là người khai sáng và phát minh ra Trà Đạo thì Sen no Rikyū (1522 –1591) chính là người hoàn thiện Trà Đạo và đặt ra tư tưởng Hòa – Kính – Thanh - Tịch làm khuôn mẫu. Kế thừa tinh thần của Marata Juko ông vẫn tiếp tục xây dựng Trà Đạo theo con đường tối giản.
Gian Trà Thất có tên là So-an của ông đến ngày nay đã trở thành Bảo vật Quốc gia Nhật, ông mạnh dạng từ bỏ việc uống trà bằng những loại trà cụ đắt tiền từ Trung Quốc, chiếc Chawan của ông chỉ giản dị là một chén trà được ông và người thợ ngói làm ra. Trong Trà Thất đó chỉ có một bức tranh, một bình hoa làm bằng tre và vài vật dụng đơn giản khác. Trước khi qua đời, hầu hết những vật dụng này đã được ông tặng lại.
Chân dung thánh Sư Sen no Rikyū
Những năm tháng cuối đời, Sen no Rikyu đã bước lên một địa vị rất cao trong giới thưởng thức Trà Đạo và là cánh tay đắc lực của Hideyoshi – một võ sĩ đạo lừng danh thời điểm đó. Chính địa vị này của ông đã mang Trà Đạo lan tỏa đến thành phần được ngưỡng mộ nhất bấy giờ của xã hội là giới Võ Sĩ Đạo. Trà Đạo trở thành một phần không thể thiếu trong các nghi thức thiêng liêng của xã hội và là sự minh chứng cho quyền lực của nhiều giai cấp. Giới bình dân cũng bắt đầu uống trà và những cánh đồng trà ngày càng được mở rộng để đáp ứng nhu cầu thưởng thức trong nước, vì Trung Hoa không thể làm ra được loại trà mà người Nhật mong muốn, dù Sen no Rikyu cũng đã thử mang trà Thiết Quan m về Nhật Bản. Cuối đời vì tư tưởng của ông quá độc lập nên có người cho rằng cái chết của ông là do Hideyoshi ban cho theo nghi thức tự sát của Võ Sĩ Đạo.
Dưới sự đúc kết và phát triển của Tam Vị Thánh Tổ Trà Đạo, trà ở Nhật Bản đã hoàn toàn trở thành một thức uống nuôi dưỡng tâm hồn người Nhật qua bao khúc quanh lịch sử.
Đồng hành cùng tình yêu trà, Plantrip Cha là địa chỉ uy tín để bạn chọn mua các sản phẩm trà chất lượng đến từ những vùng trà nổi tiếng tại Việt Nam và thế giới. Thương hiệu chuyên cung cấp các sản phẩm trà thưởng thức thượng hạng, trà nguyên liệu pha chế và các loại trà cụ độc đáo. Các sản phẩm trà từ Plantrip Cha đều đạt chuẩn chất lượng với hương vị nguyên bản đặc trưng, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những cảm nhận trọn vẹn khi thưởng thức!