Người Hà Nội xưa có thú vui uống trà mỗi khi mời khách, lúc thanh nhàn hoặc trong những dịp Hội trà trang trọng. Thú vui tao nhã được người xưa trân quý, dành nhiều công phu và dần trở thành lễ nghi, nét đẹp văn hóa. Thức trà được dùng là kết tinh của những búp trà tuyển chọn, ướp hương kỳ công, phảng phất cả chất thơ và triết lý nhân sinh.
1. Kỳ công ướp hương cho những búp trà tuyển chọn
Người Hà Nội xưa ưa chuộng loại trà ướp hương từ trà Shan Tuyết cổ thụ vùng Hà Giang. Những búp trà, lá trà bánh tẻ được thu hái, rửa sạch, mang đi đồ chín, phơi khô. Sau đó, trà được cho vào chum hoặc vại, phía trên phủ một lớp lá chuối khô và tiến hành ủ trong khoảng 3 - 4 năm. Quá trình ủ giúp trà bớt đi độ chát và bật lên hương vị đặc trưng.
Người Hà Nội xưa ưa chuộng loại trà ướp hương từ trà Shan Tuyết cổ thụ vùng Hà Giang (Ảnh: sưu tầm)
Tiếp đến là công đoạn ướp hương trà với từng lớp gạo sen mỏng đan xen, phía trên được phủ một lớp giấy bản và gói vào đóa hoa sen. Tùy vào độ ẩm của gạo sen, thời gian ướp hương khoảng từ 18 - 24 giờ. Sau khoảng thời gian này, gạo sen sẽ được sàng bỏ để thu được thành phẩm trà thơm.
Trà được quyện hương khi ướp cùng gạo sen - bộ phận được ví như túi hương của hoa sen (Ảnh: sưu tầm)
Trà được cho vào giấy chống ẩm và trải qua quá trình sấy khô để hương sen và hương trà quyện vào nhau. Quy trình ướp hương được lặp lại, có thể hai, ba, bốn, năm lần phụ thuộc vào sở thích của người thưởng trà. Với mỗi cân trà, số lượng hoa sen cần dùng để ướp lên đến 1.000 - 2.000 hoa. Đó là lý do trà sen luôn được người xưa nâng niu, trân quý và có giá bằng cả 2 - 3 chỉ vàng cho một cân.
2. Nghệ thuật pha trà đượm vị
Ngoài nguyên liệu, cách pha trà cũng được người Hà Nội xưa đặc biệt chú trọng. Bình trà được sử dụng là loại ấm đất nung nhỏ được tráng qua nước sôi để làm nóng trước khi pha. Các trà nhân sử dụng thìa gỗ để lấy trà cho vào bình, thêm nước nóng và chắt ra ngay để tráng trà. Sau đó thêm nước nóng đến tràn miệng bình, đậy nắp lại và dội thêm nước sôi lên nắp để loại bỏ hết bụi trà và giữ cho ấm trà có nhiệt độ cao nhất.
Cách pha trà cũng được người Hà Nội xưa đặc biệt chú trọng để có tách trà đượm vị, ngát hương (Ảnh: sưu tầm)
Trà được hãm trong khoảng 1 - 2 phút để có hương vị đậm đà, thơm ngon. Khi rót trà, vòi ấm sẽ quay vòng để rót đều nước trà vào các chén nhằm đảm bảo nồng độ trà và độ nóng ở các chén như nhau.
3. Nghi thức thưởng trà của người Hà Nội xưa
Người Hà Nội xưa có nghi thức thưởng trà trang trọng, cung kính khi dâng trà và nhận trà (Ảnh: sưu tầm)
Theo nghi thức, người dâng trà và người nhận đều phải cung kính cúi đầu. Trà nhân sẽ dùng ngón tay trỏ và cái đỡ miệng chén; ngón giữa đỡ lấy đáy chén. Trước khi uống, chén trà được đưa lên mũi thưởng hương, sau đó dùng tay che miệng nhấm nháp từng ngụm nhỏ để cảm nhận vị trà tinh tế.
4. Nét đẹp trong văn hóa thưởng trà
Ngoài uống trà tại gia thường ngày, người Hà Nội xưa có nhiều dịp thưởng trà đặc biệt như: thưởng trà đầu xuân, uống trà thưởng hoa, hội trà ngũ hương,... Những hội trà này chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống và văn hóa của người Hà Nội xưa.
- Thưởng trà đầu xuân: Các trà nhân có sự chuẩn bị trang trọng cho dịp đầu xuân bằng cách chọn loại trà ngon nhất và bày trí không gian với các loại hoa đào, mai trắng, cúc, thủy tiên. Những giây phút đầu tiên của sáng mùng một là thời gian để tịnh tâm, thưởng trà, ngắm hoa. Sau khoảnh khắc này, đại gia đình, con cháu mới quây quần chúc Tết.
- Hội trà thưởng hoa: Đây là thú vui tao nhã của người Tràng An. Hội trà diễn ra quanh các chậu hoa quý như: hoa quỳnh, hoa trà vào tối hoa mãn khai. Các cụ sẽ cùng uống trà, luận đàm văn chương, thế sự, ngắm hoa khoe sắc và dặn dò con cháu.
- Trà ngũ hương: Hội trà ngũ hương chỉ giới hạn 5 người. Khay uống trà được thiết kế đặc biệt với 5 phần trũng để vào 5 loại hoa đang đượm hương nhất như: hoa cúc, hoa sói, hoa sen, hoa nhài, hoa ngâu. Sau khi úp các chén trà lên kín hoa, khay trà được đặt lên nồi nước sôi để hương hoa quyện vào lòng chén.
Trà được pha rót đều vào từng chén và người tham gia hội trà sẽ đoán hương hoa trong chén của mình, cùng nhận xét và bàn luận. Chén trà sau đó được hoán đổi vị trí úp hoa để các thành viên được thưởng thức sắc hương tinh túy của cả 5 loại hoa.
Tìm hiểu về thú uống trà của người Hà Nội xưa, chúng ta càng thêm trân quý những khoảnh khắc sống chậm, để có thể khai phá các giác quan và cảm nhận trọn vẹn hương vị của một thức trà ngon. Ngày nay, giữa bộn bề hối hả, bạn đừng quên dành cho mình những giờ phút lắng đọng bên tách trà thơm để thư giãn, tái tạo năng lượng và thấu hiểu bản thân nhiều hơn!
Đồng hành cùng tình yêu trà, Plantrip Cha là địa chỉ uy tín để bạn chọn mua các sản phẩm trà chất lượng đến từ những vùng trà nổi tiếng tại Việt Nam và thế giới. Thương hiệu chuyên cung cấp các sản phẩm trà thưởng thức thượng hạng, trà nguyên liệu pha chế và các loại trà cụ độc đáo. Các sản phẩm trà từ Plantrip Cha đều đạt chuẩn chất lượng với hương vị nguyên bản đặc trưng, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những cảm nhận trọn vẹn khi thưởng thức!