Từ xưa đến nay, thưởng trà không chỉ là sở thích của nhiều người mà sâu xa hơn là một truyền thống được tiếp nối, một cách giữ gìn nét văn hóa Á Đông nói chung cũng như văn hoá trà Việt nói riêng. Trong suốt chiều dài lịch sử Trà Đạo, bằng kinh nghiệm rút tỉa từ thực tế, con người đã đúc kết ra được một vài bí quyết hãm trà ngon.
Vậy hãm trà là gì? Trong bài viết này, Plantrip Cha sẽ cùng bạn tìm hiểu về khái niệm hãm trà, cũng như khám phá bí quyết hãm các loại trà ngon dùng để pha chế ra món trà sữa đậm đà, vừa ngon miệng lại vừa tốt cho sức khỏe.
Hãm trà (trà thưởng thức) là gì?
Plantrip Cha nghĩ rằng hẳn đã có lúc bạn tự hỏi: Vì sao quá trình khi một bậc trà sư bắt đầu hãm trà (pha trà) lại trông có vẻ vô cùng phức tạp? Từng công đoạn trong đó thật sự có ý nghĩa hay công dụng gì? Có bao giờ bạn thắc mắc rằng … liệu những công đoạn cầu kỳ đó có thật sự mang đến một bình trà thơm ngon khác thường không?
Chắc rằng bạn cũng đã đôi lần tự pha lấy cho mình một ấm trà thơm, nhưng nếu bạn vẫn còn lạ lẫm với những kiến thức về kỹ thuật pha trà thì Plantrip Cha tin rằng bạn sẽ bất ngờ với sự khác biệt mà việc hãm trà đúng cách mang lại. Hãm trà đúng kỹ thuật sẽ làm dậy nên hương vị tinh tế của thứ thức uống Phương Đông danh tiếng ngàn năm này và sẽ khiến bạn thích thú khám phá thêm nhiều điều hay về thế giới Trà Đạo.
Hãm trà (trà thưởng thức) là gì?
Công Phu Trà
Trong khi văn hoá uống trà Nhật Bản định hình nên Trà Đạo Nhật Bản (Chanoyu hoặc Chado) thì văn hóa thưởng trà Trung Hoa nâng tầm nghệ thuật uống trà lên thành Công Phu Trà (Gong Fu Cha).
Công Phu Trà nghĩa là “kỹ xảo pha trà một cách khéo léo”, còn Chanoyu nghĩa đen được dịch là “nước nóng pha trà”. Trà Đạo Nhật Bản chú trọng nghi thức còn Công Phu Trà Trung Hoa chú trọng chất lượng trà và trà cụ, cả 2 nền văn hoá đều xem trọng việc thưởng trà và nghi thức lễ trà thường được tổ chức vào những dịp quan trọng, tiếp đãi bạn hiền và khách quý. Công Phu Trà là tuyệt kỹ sử dụng để pha bất kỳ loại trà lá nào của Trung Quốc trong khi trà Nhật Bản thường không dùng để pha đi pha lại nhiều lần như trà Trung Quốc, do tính chất tinh tế trong nghi thức và phương pháp chế biến trà (như cách pha bột trà Matcha).
Với Công Phu Trà, văn hóa hàng ngàn năm đã đúc kết ra được những tiểu tiết cần thiết như trọng lượng trà, thời gian hãm trà phù hợp cho từng loại trà, cuối cùng cách thức thực hành Công Phu Trà phụ thuộc rất nhiều vào kỹ xảo của các bậc trà sư.
Cách dễ hiểu nhất để mô tả chất lượng trà mà Công Phu Trà mang lại được ví như lấy một tách espresso nhỏ so sánh với một tách americano lớn. Nhiều người yêu cà phê sẽ đồng ý rằng một tách cà phê espresso có hương vị cô đặc hoàn hảo của hạt cà phê, chúng ta có thể nếm và ngửi thấy tất cả những tầng hương tinh tế của quá trình rang. Công Phu Trà cũng dùng để pha ra một lượng nước trà nhỏ, đậm đặc nhưng bật lên được hết tất cả tinh tuý trong món trà. Nước nóng được thêm vào cùng một lượt trà nhiều lần và với mỗi lượt hãm trà chúng ta có thể quan sát rõ ràng sự thay đổi trong hương vị.
Trà Cụ Cơ Bản Khi Thực Hành Công Phu Trà
1/ Ấm (Ấm Tử Sa thường là lựa chọn hàng đầu): Có kích thước phụ thuộc số lượng người cùng tham gia thưởng trà ta có các loại ấm độc ẩm, song ẩm, quần ẩm.
2/ Chén: Số lượng tùy thuộc người tham gia uống trà, một bộ chén gồm chén và cả đế lót chén.
3/ Tống (còn gọi là Chuyên Trà hay Trà Hài) là chén lớn có dung tích gần ngang hoặc lớn hơn ấm trà,, có miệng rót, có hoặc không có quai, không có nắp, dùng để đựng nước trà đã pha từ ấm trước khi rót vào các chén nhỏ để uống. Có thể có lưới lọc trà dùng kèm.
4/ Bàn trà: Công Phu Trà cần dùng nhiều nước để tráng ấm, tráng chén, pha trà ... nên bàn trà, khay trà của bộ trà cụ thường có hộc chứa nước, hay ống dẫn thoát nước.
Ngoài ra còn lò đun, ấm đun, thuyền trà, thìa trà, kẹp gắp, khêu trà, khăn lau, dao cắt trà phổ nhĩ… Đặc biệt tuỳ theo sở thích cũng như tính cách riêng của trà sư mà trên bàn trà có thể trưng bày ít nhiều đồ chơi bàn trà (tea pet)
Hãm trà khi pha trà sữa
Bên trên là cách hãm trà dùng để uống thưởng thức. Vậy cách hãm trà pha trà sữa sẽ khác hơn như thế nào? Thực tế, biết được hãm trà là gì và cách hãm trà như thế nào đã chính là yếu tố quyết định đến 90% độ ngon của món trà sữa. Tương tự như phương thức nói trên, cách hãm trà dùng để pha chế trà sữa cũng phân biệt sự khác nhau giữa các loại trà.
Thông thường trà đen và trà oolong già sử dụng nước vừa sôi để hãm trà, còn trà xanh thì sử dụng nước nguội hơn. Ngoài ra, thời gian hãm của mỗi loại trà cũng không giống nhau, trà đen và trà oolong có thể hãm lâu hơn còn thời gian hãm trà xanh thì ngắn hơn. Và cũng còn tùy vào lượng trà cần hãm cũng như sở thích về mùi vị đậm nhạt của trà sữa.
Một điểm chung quyết định đến độ ngon của trà ở cả trà uống thưởng thức và trà để pha trà sữa là chất lượng của trà. Bạn cần chọn loại trà ngon, chất lượng tốt thì mới đảm bảo được độ thơm ngon, đậm đà của nước trà pha ra.
Hướng dẫn cách hãm trà xanh, trà oolong, trà đen pha trà sữa, trà trái cây thơm ngon, đậm đà
Sau khi biết được hãm trà là gì thì tiếp theo Plantrip Cha sẽ bật mí cho bạn một vài cách hãm trà xanh, trà ô long, trà đen cực ngon, cực chuẩn để pha trà sữa, trà trái cây thơm ngon nhất. Nếu bạn là một fan trà sữa thì chắc chắn sau bài viết này sẽ có thể tự mình pha chế một ly trà sữa chất lượng, đảm bảo cho sức khỏe thay vì la cà quán xá mỗi ngày.
Cách hãm trà xanh
Hướng dẫn hãm trà xanh thơm ngon (Ảnh: Sưu tầm)
Trà xanh là loại trà được dùng phổ biến ở nước ta từ xưa đến nay. Nước trà xanh sau khi hãm thường sẽ có màu xanh nhạt hoặc hơi vàng, mùi thơm tự nhiên, vị chát nhẹ. Hiện nay, trà xanh cũng là một nguyên liệu được sử dụng để pha chế trà sữa. Cách hãm trà xanh để pha trà sữa được thực hiện như sau:
- Bước 1: Đun 1 lít nước tinh khiết đến nhiệt độ 90°C tắt bếp
- Bước 2: Cho 20gr Trà Xanh vào, dùng muỗng khuấy nhẹ 02 vòng rồi đậy kín lại ủ trong vòng 05 phút
- Bước 3: Chiết nước cốt Trà Xanh ra bình giữ nhiệt.
- Nước cốt Trà Xanh thơm ngon nhất khi được giữ nóng và sử dụng trong thời gian 4 tiếng.Vì đặc tính đậm đà vị trà xanh nên trà sencha rất thích hợp để pha Cold Brew, Trà Sữa, Trà trái cây,…
Cách hãm trà ô long
Hướng dẫn hãm trà oolong (Ảnh: Sưu tầm)
Nếu như trước đây trà ô long chỉ được sử dụng để pha trà thưởng thức thì ngày nay cũng được ứng dụng nhiều trong pha chế trà sữa. Trà ô long có mùi thơm đặc biệt, hương vị từ thanh nhẹ đến đậm đà tùy vào từng loại trà. Với trà ô long, cách hãm trà là gì?
- Bước 1: Đun 1 lít nước tinh khiết đến nhiệt độ 95°C, tắt bếp
- Bước 2: Cho 30gr Trà Oolong vào dùng muỗng khuấy nhẹ 02 vòng rồi đậy kín lại ủ trong vòng 07 phút.
- Bước 3: Chiết nước cốt Trà Oolong ra bình giữ nhiệt và để vào tủ lạnh khi cần thì đem ra sử dụng. Nước cốt Trà Oolong thơm ngon nhất khi được giữ nóng và sử dụng trong thời gian 4 tiếng
Cách hãm trà đen
Hướng dẫn hãm trà đen thơm ngon (Ảnh: Sưu tầm)
Sử dụng trà đen để pha trà sữa hiện cũng đang được ứng dụng rộng rãi. Nước cốt trà đen có màu đẹp, hương thơm nồng nàn, vị đắng đậm đà.
- Bước 1: Đun 1,5 lít nước tinh khiết đến nhiệt độ 95-100°C
- Bước 2: Cho 50gr Trà Đen vào, dùng muỗng khuấy nhẹ 02 vòng, sau đó tắt bếp và đậy kín lại ủ trong vòng 10-15 phút
- Bước 3: Chiết nước cốt Trà ra bình giữ nhiệt. Nước cốt Trà thơm ngon nhất khi được giữ nóng và sử dụng trong thời gian 4 tiếng
Trà đổ vào sữa hay sữa đổ vào trà?
Câu hỏi tiếp theo vô cùng quan trọng mà Plantrip Cha muốn hỏi bạn. Bạn có biết thật sự là “Trà đổ vào sữa hay sữa đổ vào trà” không?
Plantrip Cha mách nhỏ bạn một bí quyết khi pha trà sữa, quy tắc là hãy “cho trà vào sữa”. Mục đích của việc cho sữa vào trước, sau đó mới hoà nước trà vào sau, là để giúp sữa dung hoà được độ nóng với nước trà. Điều này còn giúp bảo quản được các giá trị dinh dưỡng vốn có trong sữa, làm sữa không bị vón hay tạo nên lớp màng sữa nổi bên trên mặt nước.
Hy vọng những chia sẻ của Plantrip Cha đã giúp bạn hiểu hơn về việc hãm trà là gì cũng như biết cách pha chế nên một ly trà sữa thơm ngon, đậm đà và chất lượng. Bây giờ bạn hãy chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu chuẩn và bắt tay vào trổ tài, Plantrip Cha chắc chắn rằng món Trà Sữa Bạn Làm sẽ không thua kém món trà sữa đến từ nhãn hiệu yêu thích của bạn.
Chúc các bạn thành công.