“Cây trà mọc cao từ ngang đầu người đến hàng chục thước, được trồng ở các vùng gò đồi, lá và thân đều có thể dùng nấu nước. Lá trà được hái về, vò, ủ kín, hạ thổ, nấu bằng siêu. Khi rót, siêu nước trà được giơ cao, dòng trà rót mạnh xuống tô nổi bọt trắng đục. Thế là trà ngon...” Gia Định Thành Thông Chí (Trịnh Hoài Đức)
Đọc đến đây tôi chợt thảng thốt: “Trời ơi, miền Nam mình cũng trồng được trà”. Gia Định Thành Thông Chí ra đời khoảng năm 1820, lúc đó cây trà đã cao hơn chục thước ta (một thước ta khoảng 40cm), vậy trước năm 1820, cây trà rất có thể đã tồn tại hơn trăm năm tuổi. Kể từ hôm đó, lịch sử vang danh của một làng trà đặc biệt cứ ám ảnh, thôi thúc tôi lên đường tìm cho bằng được nàng thôn nữ tuyệt sắc mang tên Trà Phú Hội.
Bất cứ khi nào người ta nói ra hai chữ “tìm kiếm”, nghĩa là khi đó họ chưa biết, chưa rõ, chưa chắc chắn về thứ đó và cũng có thể thứ đó không hề tồn tại. Trong tâm thế đó tôi đã lao vun vút về Phú Hội dù chưa chắc chắn điều gì về sự tồn tại của cây trà ở đây. Vòng vèo trong thôn xóm miền Nam, bày ra trước mắt tôi là những vườn cây ăn trái xứ Nhơn Trạch, những vườn dâu da buông từng chùm trái vàng ươm đong đưa theo gió, những cây măng cụt xum xuê với những trái chín như đèn lồng,… Và dĩ nhiên tôi không thấy cây trà.
Ghé thăm gia đình trồng trà Phú Hội
Chạy “huốc” mấy lượt, chặp đầu bầy chó trong xóm còn cong đuôi ra sửa, thêm vài lần nữa chúng cũng chẳng thèm quan tâm. Một đoạn tôi gặp một nhóm đờn ca tài tử đang ngồi liên hoan. Chút máu me nghệ sĩ trong tôi thình lình nổi dậy, tôi liền tấp vào xin ngồi nghe và được một chú rót cho ly trà đặc quánh. Định bụng sẽ đắng và chát đến rợn người, nhưng không. Một mùi hương dứa tự nhiên và dễ chịu xông vào mũi làm tôi bừng tỉnh sau đoạn đường dài, vị trà không đắng chát lại rất ngọt ngào. Chú giới thiệu đây là trà Phú Hội thứ thiệt và chỉ còn một người làm theo kiểu thủ công truyền thống là cô Hường, tôi xin được số điện thoại và tìm đến ngay khi cô đang hái trà.
Cảm quan ban đầu tôi thấy cây trà Phú Hội không đồ sộ như những cây trà cổ thụ Tây Bắc, cũng không ngăn nắp như trà Trung Du, từng cây cao hơn ngang ngực người, phát triển một cách tự nhiên và được trồng dưới những tán cây ăn trái. Có cây hơn 50 năm tuổi, gốc bằng hai bàn tay người, bạc phết, có gốc bị thời gian làm cho mục ruỗng. Cô nói trà ở đây có hai loại, lá lớn là trà trâu, lá nhỏ là trà sẻ. Lá lớn uống có vị đậm hơn, lá nhỏ mùi thơm hơn nên phải có đủ hai loại. Chúng tôi xác định trà lá nhỏ là Camellia ver Sinensis và lá lớn là Camelia ver Assamica. Sau đó tôi phải từ giã cô để quay lại Sài Gòn vì trời đã về chiều.
Lần thứ hai, chúng tôi cùng đến Phú Hội, quyết định nghiên cứu cách làm sống lại làng trà vang danh. Lần này, chúng tôi được tìm hiểu kỹ hơn về công đoạn làm trà Phú Hội. Lá trà được hái khoảng 3 hoặc 4 lá và phơi héo dưới nắng. Nếu nắng tốt, khoảng 2 tiếng sau sẽ được mang vào vò thủ công và phơi cho khô hoàn toàn. Chúng tôi cùng xác định loại trà này có thể đã hoàn toàn bị oxy hóa, bởi được vò khá kỹ và thời gian phơi kéo dài. Trà sau khi phơi khô sẽ được trữ lại khoảng hai tháng cho hương vị ổn định.
Trà phơi sau hai tháng sẽ được sao trên chảo gang và lửa than. Cô nói sao bằng ngọn lửa từ củi trà sẽ rất hôi khói, sao bếp gas lại không thơm, nhất định phải sao bằng than đước đã cháy kỹ. Sau khi trà được sao thơm, sẽ được trộn với hỗn hợp lá trà tiên , lá dứa và lá ren đã được xắt nhuyễn trước đó và phơi khô lần cuối để cho ra thành phẩm. Lá trà Phật và lá dứa sẽ cho ra hương thơm sâm dứa tự nhiên rất dễ chịu, lá ren cho ra vị ngọt thanh. Cô nói rằng nghề làm được bà ngoại cô truyền lại và đã có ngót nghét trên trăm năm. Khi thịnh đạt, làng trà Phú Hội là một vùng bạt ngàn trồng trà và là phiên bản gốc của hương trà sâm dứa thân quen của người dân Nam Bộ.
Lá trà được hái khoảng 3 hoặc 4 lá và phơi héo dưới nắng.
Cô tâm sự: “Trà này của dân mình, nhà tui làm mấy đời uống cũng mấy đời. Cực khổ lắm mới ra được ký trà, năm ký trà tươi mới ra một ký khô, một ký khô sao lên mới có bảy trăm gram trà, nào hái nào phơi, nào vò, nào sao , rồi trộn lá. Trời nắng tui mừng, trời mưa là tui rầu, làm trà chứ dễ đau tim, mãn năm không có ở không. Giờ mà cô chú làm sao người Sài Gòn biết tới trà Phú Hội, tui mừng dữ lắm”.
Sau bữa cơm chiều thân mật, được cô mời với tấm giọng điệu dân dã của người Nam Bộ: “Ăn cho tui vui, không ăn giận à nghen”, chúng tôi mua tất cả số trà trong nhà của cô và mang về Sài Gòn. Trước khi về cô còn dặn dò: “Vái trời cô chú bán cho được, để tui còn giữ nghề, chứ giờ làm nghề khác cũng được, mà bỏ nghề của ông bà mình thì xót xa lắm”. Chúng tôi hứa sẽ làm tất cả có thể, để mọi người không quên một làng trà đặc biệt, có tấm lòng thơm thảo của người Nam Bộ.
Đồng hành cùng tình yêu trà, Plantrip Cha là địa chỉ uy tín để bạn chọn mua các sản phẩm trà chất lượng đến từ những vùng trà nổi tiếng tại Việt Nam và thế giới. Thương hiệu chuyên cung cấp các sản phẩm trà thưởng thức thượng hạng, trà nguyên liệu pha chế và các loại trà cụ độc đáo. Các sản phẩm trà từ Plantrip Cha đều đạt chuẩn chất lượng với hương vị nguyên bản đặc trưng, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những cảm nhận trọn vẹn khi thưởng thức!