TÀ XÙA – KÝ ỨC MÙ SƯƠNG

Đăng bởi Plantrip Cha vào lúc 19/04/2023

Tôi đang ngồi viết lại những dòng này giữa cái nóng gay gắt của Sài Gòn mà một góc nhỏ trong tôi còn nghe thấy cái se lạnh của núi rừng Tây Bắc. Trong căn phòng ngột ngạt hơi điều hòa, tôi đang hồi tưởng về một miền đất xa lạ (trước đây) mà tôi đã vài lần đặt chân đến. Ký ức lạ lẫm mà kỳ thú về một vùng đất quá đỗi dịu dàng và nên thơ, dệt nên trong tôi một mảng ký ức của sương sớm bao trùm lên núi rừng, gội nhuần lên từng cây trà cằn cỗi thi gan cùng tuế nguyệt hàng trăm năm, ấm áp bởi những tình cảm chân thành mà nồng thắm của bà con đồng bào.

1. Theo nhau ta tìm về

Khi chúng ta yêu một ai đó chúng ta sẽ rất thích được tìm về quê hương gốc tích của họ, để nhìn xem phong cảnh làng quê nơi mà họ lớn lên và tiếp xúc gần hơn với người dân quê hương họ. Với tôi, khi trót yêu Trà Cổ Thụ Tà Xùa, tôi cũng muốn như thế. Và một ý nghĩ rất đỗi ngây thơ mà mạnh mẽ thôi thúc chân tôi bước đi và tìm ra cho bằng được quê hương của loại trà hảo hạng tuyệt đích Tà Xùa – Sơn La. (Thức trà Cổ Thụ đầu tiên tôi được thưởng thức)

Một ngày đầu tháng tư khi cơn gió xuân đã ngừng thổi ở Sài Gòn, nhường chỗ cho những cơn gió hè bỏng rát. Đã 2 lần tôi quyết định khăn gói lên Tà Xùa tìm trà ngon, đây là mùa mà trời đất cỏ cây đã bừng tỉnh sau mùa đông dài ủ rũ. Chúng tôi bay ra Hà Nội, thuê một chiếc xe ô tô để lên Tà Xùa, tôi cũng chẳng biết động lực khi đó thế nào mà thôi thúc tôi dám làm một chuyện nghe có vẻ nguy hiểm và táo bạo như thế. Nhưng tôi nghe trong trái tim mình một tình yêu đủ lớn để có thể liều lĩnh làm việc ấy.

một mảng ký ức của sương sớm bao trùm lên núi rừngĐường lên Tà Xùa sương giăng mây phủ, bốn bề tịch mịch như thể đường lên tận trời.

Để đến nơi, tôi phải trải qua một hành trình không tưởng. Con đường để đến với Tà Xùa hẹp, quanh co, gồ ghề, tôi tưởng như mình lạc vào cổ tích và trở thành một con kiến nhỏ đang đi trên lưng một con trăn lớn, chốc chốc con trăn ấy sẽ động đậy và tôi có nguy cơ ngã nhào. Một bên là vách đá cheo leo như há mồm chờ ngấu nghiến lấy những gì đi qua, bên kia là rừng thẳm lạnh lùng im bặt tiếng như một người trầm mặc và uyên thâm. Bên trên màn sương nhạt nhòa bao trùm lên cảnh vật vẽ u huyền bí hiểm. Nơi đây chỉ có chúng tôi, núi, sương, mây và thứ tôi mộng tưởng là bắt gặp bóng dáng yêu kiều của người mình trót yêu sâu nặng – Cây Trà. Tôi chỉ có một con đường để tiến lên và dĩ nhiên không thể quay đầu. Sự sợ sệch lạ lẫm xen lẫn với lòng ham thích khám phá khiến tôi cảm nhận thấy một khoái cảm chưa từng thấy. Đường lên Tà Xùa sương giăng mây phủ, bốn bề tịch mịch như thể đường lên tận trời.

Một trạm dừng chân giữa rừng núi Tà Xùa Sơn La, bốn bề mây giăng phủ kín.Một trạm dừng chân giữa rừng núi Tà Xùa Sơn La, bốn bề mây giăng phủ kín.

2. Lạ kỳ thay sao người Việt lại mua trà Việt

Sau nhiều tiếng dài chạy xe đường đèo, tôi thấy những vệt khói bốc lên và bản làng của bà con người dân tộc H.Mông hiện ra.

Một lần, đến nơi tôi được bà con chỉ đường để đến với những cây trà cổ thụ trứ danh.

Qua vài câu chào, họ thân thiện hỏi:

- Cô đến để làm gì ?

Tôi trả lời:

- Thưa, con đến mua trà cổ thụ ?

Họ mới ngạc nhiên bảo:

- Vậy cô là người Trung Quốc à, sao nói tiếng Việt giỏi thế?

Sao câu hỏi có vẻ hồn nhiên, tôi mới ngạc nhiên đáp:

- Không, cháu là người Việt!

Họ tròn mắt bàn tán:

- Người Việt cũng đến mua trà à, tôi tưởng cô phải là người Trung Quốc.

Sau câu nói có vẻ vô tư của họ là một khoảng trời nặng nề và xám đục trong tôi. Thì ra bấy lâu nay câu chuyện về trà Việt Nam vẫn hiển nhiên diễn ra như thế. Có lẽ Bụt nhà không thiêng, người Việt vẫn hồn nhiên uống những thức trà Oolong, Phổ Nhĩ đắt đỏ mà quên mất núi rừng Việt Nam cũng rẫy đầy những trà ngon, cho đến nỗi, người Việt mua trà Việt là thứ gì lạ lẫm. Chao ôi chua xót….Tôi quay về nghỉ ngơi tại một Homestay nhỏ, và sáng hôm sau chuẩn bị tinh thần để cùng bà con hái trà.

Thì ra bấy lâu nay câu chuyện về trà Việt Nam vẫn hiển nhiên diễn ra như thế. Có lẽ "Bụt nhà không thiêng"...

Thì ra bấy lâu nay câu chuyện về trà Việt Nam vẫn hiển nhiên diễn ra như thế. Có lẽ "Bụt nhà không thiêng"...

3. Ký ức không quên về Trà và người Tà Xùa

Một buổi sáng khi những tia bình minh vừa khó khăn dùi mình qua làn sương dày như bông, những hạt sương to tròn đọng lại trên búp trà làm chồi non oằn mình ngả ngớn. Từng búp trà non to mây mẩy, mang vẻ mảnh dẻ thô mộc hùng tráng của loại cây sống qua bao sương tuyết.

Từng nhóm người người thoăn thoắt trên những cây trà to lớn,  luôn tay hái trà cho kịp, kẻo mặt trời lên cao. Vẻ ngạc nhiên bồi hồi chưa kịp lặng đi trong suy nghĩ, chúng tôi bắt gặp một bà cụ vừa nhanh như bay trèo lên cây trà cao nhất hái từng búp non. Với tôi đó là một điều không tưởng, tôi mới hỏi người xung quanh về tuổi của bà cụ. Một anh trai có vẻ là cháu cụ, lẩm nhẩm rồi đáp gọn, một lẻ ba. Một trăm lẻ ba ? Phải, một trăm lẻ ba tuổi. Ở miền xuôi cho rằng bảy mươi đã là hiếm, mà bây giờ tôi được đối diện với một bảo vật sống của núi rừng. Bà cụ tinh anh và nhanh nhẹn, bạn tôi tặng bà chiếc khăn choàng trên cổ và ngỏ ý mua lại tất cả số trà bà đang hái. Số trà đó đến nay tôi còn giữ, mỗi khi nhớ đất nhớ người Tà Xùa tôi thường mang ra uống. Mỗi lần pha một nắm nhỏ, mỗi lần uống từng ngụm nhỏ, như sợ hết, sợ mất đi cái rung cảm nguyên sơ về núi rừng Tà Xùa.

Bà cụ 103 tuổi nhưng vẫn tinh anh và nhanh nhẹn, bạn tôi tặng bà chiếc khăn choàng trên cổ và ngỏ ý mua lại tất cả số trà bà đang hái.

Bà cụ 103 tuổi nhưng vẫn tinh anh và nhanh nhẹn, bạn tôi tặng bà chiếc khăn choàng trên cổ và ngỏ ý mua lại tất cả số trà bà đang hái.

Một lần khác, trên đường theo đoàn người hái trà về bản, tôi bắt gặp một em bé, có lẽ mãi theo đoàn người nên cô bé bị trượt té, gối va vào đá, rách toạc một mảng lớn, tứa máu. Gương mặt hồn nhiên mà bình thản, không giống bất cứ đứa bé miền xuôi nào tôi từng gặp. Tôi biết vết thương kia sẽ lành, dĩ nhiên, nhưng tôi đau xót bởi sự bình thản của một đứa trẻ khi đối diện với nỗi đau. Hẳn với em đau là một chuyện bình thường, đôi mắt tròn không chút nước mắt nhưng vẫn ra vẻ kiếm tìm. Có lẽ mẹ của em đang trong nhóm người hái trà. Bỗng một chị gái chạy lại, lấy ít trà trong gùi, vò và rịt vào vết thương rồi gọn gàng bồng bé về. Tôi rối rít can ngăn, bảo sẽ tìm oxy già sát khuẩn cho bé. Chị thản nhiên trấn an và nói rằng người bản làng này đều lớn lên như thế, chốc về nấu nước lá trà tắm cho em là khỏi ngay thôi. Tôi bất giác nhận ra trà với họ là một cây thuốc, một người bạn, một thành viên trong gia đình.

Cùng cụ bà và người dân ở bản leo lên ngọn cây trà, hái những lá trà tươi non nhất.

Cùng cụ bà và người dân ở bản leo lên ngọn cây trà, hái những lá trà tươi non nhất.

Tôi có chụp ảnh cùng bà cụ 103 tuổi, với cô bé hồn nhiên, với cây trà,… Và suốt một mùa dài, khi gặp bất kỳ ai, tôi sẽ cố khoe với họ từng tấm ảnh và luyên thuyên không ngớt về Tà Xùa. Ai cũng có vẻ ngạc nhiên khi biết người Việt đi mua trà Việt là một điều lạ lùng, khi trên đời có một bà cụ 103 tuổi trèo lên cây cao hái từng búp trà, khi có một em bé hồn nhiên trước cơn đau, khi người ta sẽ coi trà như một vị thuốc, một người bạn, một thành viên trong gia đình,… Và khi người ta có thể cùng trà vượt qua những gian lao của trời đất, mà hồn nhiên sống với tâm hồn rộng lớn mênh mông, tôi mới thấy rằng ngụm trà mà hôm nay tôi uống đáng trân trọng biết nhường nào.

Bé gái bị thương ở chân và tôi.

Bé gái bị thương ở chân và tôi.

Nhóm lửa sao trà, tiếp tục công việc sơ chế trà sau khi thu hái xong.

Nhóm lửa sao trà, tiếp tục công việc sơ chế trà sau khi thu hái xong.

Cảm nhận hương trà ngay sau khi sơ chế xong.

Cảm nhận hương trà ngay sau khi sơ chế xong.

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Plantrip Cha
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn
Danh mục
popup Plantrip Cha cancel Plantrip Cha
zalo